Truyện ngắn: Đất ấm
1. Xe dừng lại. Chị thấy một làn bụi bay lên nhẹ nhàng quấn quanh người mình. Phía trước hiện ra hàng dừa thẳng tắp, vẫn ngạo nghễ dang rộng tay như giữ dùm tuổi thơ của chị suốt bao năm qua. Chị đi dưới kỷ niệm. Nghe cỏ níu lấy chân. Dì bảo, quê mình đã thay đổi nhiều so với hồi chị ở đây. Ờ, đã hơn 10 năm rồi. Cảnh vật nay khác xưa. Chị thấy mình buồn vui lẫn lộn.
- Cái bến cũ vẫn còn hả dì?
Chị nhìn xung quanh, như muốn tìm lại hình ảnh của một thời xa xưa.
- Còn. Nhiều lần người ta muốn dẹp đi, nhưng thằng Hiển cố thuyết phục để giữ lại cho bằng được.
Nhắc đến tên Hiển, chị lại thấy bùi ngùi, xao động. Dường như cái tên ấy vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong tim chị.
Ảnh minh họa
2. Chị và dì đến bờ sông. Gió từ sông thổi lên làm mát cả người. Con sông vẫn thế, không rộng hơn là mấy, vừa đủ cho một tiếng gọi. Ngày xưa, mỗi lần nghe tiếng gọi đò, thật ra chỉ là một tiếng hú dài của người bên kia, chị và anh liền hớn hở bơi xuồng qua. Đầu trần, chân đất, cứ thế cả hai mơ tưởng đến những món quà trong giỏ của người đang đứng đợi trên bờ. Có lần, không nghe tiếng gọi nào, anh rủ chị xuống xuồng rồi bơi đi thật xa. Khi những háo hức trong lòng của chị sắp chuyển thành nỗi bực dọc, thì anh hô to: Tới rồi. Chị nhìn theo cánh tay có vết sẹo nhỏ gần ngón cái, một doi đất mịn hiện ra. Trước mắt chị là một rừng lau trắng, chấp chới trong gió.
- Đẹp quá, anh Hiển ơi! Chị reo lên thích thú.
- Anh biết thế nào em cũng thích mà - Hiển trả lời với vẻ đắc ý.
Anh bảo, đây là thiên đường của anh em mình. Không có một bóng người, nơi đây chỉ có gió, cát và rừng cỏ lau vào mùa trổ bông trắng muốt đang kiêu hãnh ngẩng mặt nhìn trời. Anh kéo chị chạy lên cát, tưởng tượng như đang chạy trên lưng rùa vừa nổi giữa mênh mông sông nước. Hai anh em tưởng tượng ra đang tắm trên bãi biển. Mỗi người xây cho mình những lâu đài lạ mắt. Xây lâu đài hoài cũng chán, anh nói vẽ xứ mình đi. Cứ thế, anh hí hoáy vẽ lên cát những đường nét vụng về. Vẽ tới đâu, anh giải thích tới đó như sợ chị không hiểu điều anh đang mơ ước. Anh mơ một chiếc cầu bắc qua sông, mơ những ánh điện thắp sáng đất cù lao, mơ hương vị ngọt ngào của trái dừa quê anh được nhiều người đến mua để bà con có cuộc sống khá hơn. Cùng với tiếng gió, tiếng sóng vỗ vào bờ, hai anh em cứ khúc khích mãi về một bức tranh quê tuyệt vời cho đến khi con nước lớn dần. Rồi hai anh em chuyển sang chơi nhà chòi. Anh làm chú rể, chị làm cô dâu. Anh chạy đến rừng lau, bẻ từng chùm bông trắng muốt. Nhưng khi anh bẻ mới được hai nhánh thì chị kêu lên:
- Đừng bẻ nữa anh. Em sợ nó đau.
Anh dừng lại, không bẻ nữa. Anh nhẹ nhàng quấn lên đầu chị hai nhánh lau trắng làm vương miện cô dâu. Chị thích thú soi mình xuống lòng sông tĩnh lặng.
- Đẹp không? Anh hỏi chị.
- Thấy... thấy ghê! Chị vừa nói xong liền chạy trốn vào rừng lau, bỏ lại tiếng réo gọi của anh phía sau:
- Dám chê thấy ghê hả? Anh bắt được em sẽ cho ăn đòn nè.
Tiếng hai đứa giòn tan trong tiếng hát rì rào của rừng lau cho đến khi hoàng hôn buông xuống.
- Sau này, anh Hiển thích làm gì?
Chị bất ngờ hỏi anh, miệng cắn nhẹ cọng cỏ non.
- Anh hả, anh thích làm vườn.
Chị ngạc nhiên với câu trả lời của anh.
- Trời, làm vườn có gì vui đâu anh. Chỉ nghĩ cả đời cứ quanh quẩn mấy bờ dừa là em thấy chịu không nổi rồi.
Anh im lặng trước câu nói của chị. Đôi mắt anh vẫn nhìn ra ngoài sông, nơi có những chiếc ghe chở dừa vẫn miệt mài ngược xuôi. Nhiều lúc anh nghĩ lại cũng thấy mình khác người. Tụi bạn cùng trang lứa đứa nào cũng mong sớm rời mảnh đất này để đi thật xa. Anh thì ngược lại, chỉ một ngày không nghe tiếng tàu dừa rụng, không ngửi thấy mùi đất bùn bám lấy chân là anh đã bứt rứt, khó chịu. Có lẽ, số phận bắt anh sinh ra là để gắn bó với vùng đất yên bình này. Nên câu trả lời của chị không làm anh giận, anh chỉ thấy có một nỗi buồn phủ nhẹ trong lòng mình.
3. Dì gọi đò. Ngỡ như tiếng của xa xưa. Dì nhỏ nhẹ, thằng Hiển bây giờ có vợ con rồi. Nó chịu làm ăn nên cũng chăm lo được gia đình. Có điều đầu tắt mặt tối cả ngày. Chị nghe trong im lặng, mắt nhìn về bên kia bờ sông dường như đã rộng hơn xưa đang có người xuống ghe. Chiếc ghe dùng để chở dừa vội vã rời bến. Chẳng mấy chốc, chị nhìn rõ hai con mắt ghe bao năm vẫn mang một nỗi buồn như thế, và nhìn rõ làn da đen sạm của người lái phía sau.
- Lâu quá không gặp. Nay lớn quá trời, còn quen đi trên đất cồn không nhỏ?- Anh hỏi không ngớt rồi đưa tay kéo chị lên.
Trong mắt chị anh không thay đổi nhiều. Chỉ già dặn hơn. Chị thoáng nhìn xuống bàn tay khi anh chìa ra để kéo chị lên ghe, vết sẹo nhỏ trên mu bàn tay của anh vẫn còn đấy, dù đã nhạt đi nhiều. Ghe rời bến, tiếp tục xuôi dòng theo nhịp sóng ban trưa. Người chị phủ đầy nắng. Cái nắng miền quê vẫn khiến người ta dễ chịu. Chị lấy tay che nắng nhìn về phía trước. Anh khoe, quê mình sắp có cầu bắc qua rồi. Người ta sẽ xây phía trước mặt em đó. Cầu lớn lắm.
- Khi nào có cầu mới, Thủy về chơi nha?
Hiển cố gắng nói to hơn, cái giọng trầm trầm xen lẫn với tiếng máy, tiếng gió.
- Dạ. Mà lúc đó có ai còn nhớ tới em không mà kêu về?
Chị nửa đùa nửa thật, tay giữ mái tóc đang muốn bung xõa vì gió.
- Nhớ sao không nhớ. Đất cồn luôn chào đón những đứa con trở về mà.
Chị có chút ngậm ngùi khi nghe Hiển nói thế. Trong tiếng máy nổ, anh tiếp tục kể cho chị nghe về dự định của mình, của người dân xứ cồn khi cây cầu hình thành. Anh sẽ chở dừa đi bán bằng xe tải, chứ không bằng ghe như giờ, sẽ thử nghiệm nhiều giống cây mới trên mảnh vườn với hy vọng bà con có thể thoát nghèo. Anh có niềm tin vào quê mình, tin chắc xứ mình sẽ đi lên trong tương lai không xa.
Nghe đến đó, chị lại quay quắt nhớ. Chị nhớ mình đã từng tái mét vì sợ khi anh chặt dừa trúng vào tay trong lúc làm đồ chơi cho chị, nhớ chị đã từng khóc thật nhiều khi anh quyết định ở lại quê nghèo để làm vườn thay vì chen nhau lên thành thị chật chội và đầy khói bụi. Chị giận anh vì nghĩ sao anh lại dễ dàng từ bỏ tương lai. Nhưng giờ đây, nhìn anh hạnh phúc với những khu vườn tươi tốt, chị nhận ra lựa chọn của anh là đúng, chỉ có chị là sai. Vùng đất cù lao bình yên này chính là tương lai của anh.
4. Chị nói anh chở chị đi thăm thiên đường hồi xưa.
- Còn nhớ chỗ đó không?
- Nhớ sao không nhớ. Chị mỉm cười. Chị nghĩ bức tranh tuổi thơ của mình sẽ không còn nhưng chị sẽ thấy nó trong sự cần cù, chịu khó, trong những giọt mồ hôi của anh và người dân xứ nghèo đang ngày đêm nhỏ xuống đất lành.
Ghe cập vào bờ. Chị ngập ngừng giơ tay ra cho anh nắm. Chợt chị dừng lại, cởi đôi giày, nhảy xuống ghe và thoáng lặng người khi cảm nhận hơi ấm phù sa dưới chân mình./.
Thư Anh