Rộn ràng chợ đá quý Lục Yên
Chợ đá quý Lục Yên là phiên chợ độc nhất tại Việt Nam, nơi những viên đá quý được bày bán và người mua có thể trả giá tùy thích như đi chợ. Trải qua bao thời gian đến nay phương thức và cách giao dịch vẫn không thay đổi. Người ta gọi chợ này là phiên chợ bạc tỷ, bởi những mặt hàng chỉ có đá quý chứ không có hàng hóa khác.
Chợ đá quý Lục Yên thuộc thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái
Đá quý bày bán như… rau
Tháng 2 vừa qua, phiên chợ đá quý đầu tiên trong năm 2023 khai hội. Chợ được họp tại một địa điểm khá đẹp nằm ở góc hồ nước lung linh ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Tại phiên chợ đầu năm này, nhiều hoạt động như thi làm tranh đá quý, đấu giá đá quý, đá mỹ nghệ... được tổ chức. Các nghệ nhân trên địa bàn đã chế tác trực tiếp các tác phẩm tại hội chợ và đấu giá ngay tại đây.
Những viên đá quý có giá trị từ vài trăm nghìn, thậm chí hàng chục triệu đồng được bày bán trên mặt bàn gỗ như mớ rau, con tép. Hàng là các loại đá quý, đá bán quý các loại. Có thứ đã qua chế tác, có thứ còn để thô nguyên gốc. Nhưng dù ở dạng nào, những thứ hàng được bán ở cái chợ này đều khoe sắc lung linh. Không có cảnh tranh giành, cũng không sợ mất cắp, thậm chí người ta có thể mang viên đá rất giá trị của ai đó đi từ đầu chợ đến cuối chợ để khảo xem đó là hàng thật hay giả mà chủ nhân vẫn vui vẻ.
Chợ chỉ họp trong khoảng thời gian vài ba tiếng đồng hồ vào buổi sáng hàng ngày với hàng trăm gian hàng lớn, nhỏ. Người ở tứ phương, thậm chí ở các nước xung quanh như Thái Lan, Singapore cũng tìm đến mua. Ngoài những người kinh doanh đá quý, những thợ chế tác tìm mua nguyên liệu, cũng không ít người nghe tiếng chợ đá quý mà đến đây để xem và mua cho mình sản phẩm đá quý làm kỷ niệm. Theo những người bán hàng thì có phiên người ta mua bán với nhau tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng tiền hàng, nhưng cũng có những phiên ế hàng, giá trị mua bán chỉ tính bằng vài triệu đồng.
Hơn 30 năm qua, phiên chợ đặc biệt này thường họp từ sáng đến trưa các ngày trong tuần, không chỉ là điểm đến của giới kinh doanh mà còn thu hút nhiều người từ khắp nơi đến giao lưu, mua bán. Những năm 90 là thời hoàng kim của chợ đá quý Lục Yên. Lúc đó, chợ tất nập, người mua kẻ bán giắt lưng cả trăm triệu đồng. Hiện giờ chỉ họp với mục đích giao lưu là chính, họ là những người sành về đá quý và sẵn sàng chi hàng chục, hàng trăm triệu đồng hay cả tỉ đồng để mua những viên đá mình thích.
Giá trị đi cùng năm tháng
Lục Yên - được mệnh danh là vùng đất Ngọc, nơi có trữ lượng đá quý mang giá trị kinh tế cao như Ruby, Saphia... Những viên đá có giá trị nhất Việt Nam đều được khai thác từ đây. Theo những người trong nghề, xưa ở lòng hồ Thác Bà đã có chợ Ngọc. Người nông dân đi làm đồng, trẻ em đi chơi dễ dàng nhặt được những viên đá đủ màu sắc nhưng chỉ để chơi. Từ những năm 80, chính quyền tổ chức khai khoáng và phát hiện nhiều loại đá quý, chất lượng thuộc hàng thượng hạng thế giới. Từ đó, Lục Yên trở thành thủ phủ của đá quý bên cạnh Nghệ An. Lục Yên còn tự hào có viên Ruby đỏ - “Ngôi sao Việt Nam” được giữ làm bảo vật quốc gia. Đó là viên đá Ruby lớn nhất, có trọng lượng 2.160gram tương đương 10.800 cara.
Bãi đá khác với bãi vàng, bởi nó nằm rải rác khắp núi khắp rừng. Có lẽ chính sự phong phú về màu sắc đá của Lục Yên đã đem lại cho mảnh đất này một phong vị khác hẳn với những trung tâm đá như Quỳ Hợp, Đăk Nông. Đá Lục Yên được đánh giá là đẹp, chủng loại đa dạng mà dải màu sắc cũng phong phú. Tận dụng nguồn đá vụn khá dồi dào khi chế tác, người Lục Yên đã sáng tạo nên một dòng tranh đá quý khá độc đáo. Đây là loại tranh được làm từ 100% nguyên liệu là nguồn đá quý tại địa phương.
Đá quý ở chợ Lục Yên được thu gom của những người đi núi về, có thời gian thì chế tác thành mặt đá cho nhẫn, dây chuyền, hoa tai… Có những thứ để làm nguyên liệu cho làm tranh đá quý, được bán bằng cân, bằng lạng. Và chính những người nông dân lam lũ, cứ ngày ngày cặm cụi, đào, đãi không mệt mỏi trên các bãi đá, suối sâu ở Lục Yên đã tạo nên nguồn hàng không bao giờ thiếu cho chợ đá quý. Cứ sáng tinh mơ, hàng trăm người dân thị trấn lại lên rừng, lang thang dọc suối, nhặt từng viên đá lộ thiên. Nhặt mãi, đá cũng khan hiếm, họ phải đi sâu vào những hang động, dùng đèn pin soi rồi nhặt.
Vài năm trở lại đây, tại chợ đá Lục Yên đã xuất hiện công nghệ đổi màu đá, tức là từ những viên đá kém phẩm chất qua quá trình xử lý kỹ thuật, thợ đá sẽ làm cho những viên đá này nhìn bên ngoài hệt như những viên đá đắt tiền. Nhiều người không sành đã bị lừa bởi chiêu này. Để đảm bảo chữ tín của đá quý trong vùng, Hiệp hội đá quý Lục Yên cũng được thành lập. Chợ đá quý do các thành viên trong hội quản lý nên hoạt động có quy củ và uy tín hơn. Hiệp hội đá quý Lục Yên đã kiên quyết xử lý, tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng, để giữ vũng thương hiệu đá quý Lục Yên./.
Thảo Nguyên